3 ĐIỀU CẦN NHỚ ĐỂ KHÔNG TRỞ THÀNH KẺ ĐẠO ĐỨC GIẢ VỚI MỘT BỤNG LÝ THUYẾT SUÔNG
Share
"Tôi từng nghe qua rất nhiều đạo lý, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải sống 1 cuộc đời tồi tệ." Chúng ta thèm khát và điên cuồng lùng sục những chuyện đạo lý trong Đắc Nhân Tâm, trong những cuốn sách self-help hay trong những cuốn sách tương tự khác, nhưng thật sự sau khi biết được những đạo lý đó, có mấy người trong chúng ta có thể thực sự biến chúng từ lý thuyết suông trở thành hành động thực tế.
Chúng ta luôn biết rất nhiều thứ, nhưng ngoài biết ra, chúng ta không thực sự làm gì cả. Để không trở thành người đạo đức giả với đầy bụng lý thuyết suông, hãy luôn ghi nhớ 3 điều dưới đây.
1. Hiểu được đạo lý là tốt, nhưng sẽ vô nghĩa nếu bạn không thực hiện nó
Có 1 câu chuyện xưa như thế này. Đồ đệ hỏi sư phụ: "Trên đời này ai là người khôn ngoan nhất?". Sư phụ nói: "Người có sở trường học được ưu điểm của người khác là người khôn ngoan nhất."
"Nếu vậy, ai là người mạnh khỏe nhất?"
"Có thể kiểm soát được bản thân mình, đó là người mạnh khỏe nhất."
"Nếu vậy, ai là người giàu có nhất?"
"Có thể trân trọng của cải do bản thân làm ra, người biết thỏa mãn, cũng đem của cải mình có đi giúp đỡ người khác, chính là người giàu có nhất."
"Nếu vậy, ai là người đáng được kính trọng nhất?"
"Người không những có lòng tự trọng, mà còn biết kính trọng người khác, là người đáng được kính trọng nhất."
Sau khi nghe xong, đệ tử liền nói: "Lời của sư phụ thật đúng đắn."
Sư phụ đáp lời: "Phải rồi, điều đó là hiển nhiên, nhưng mà rất nhiều người không làm được."
Có lẽ rất nhiều người đều hiểu được điều này, có nhiều đạo lý, không phải bạn không hiểu, mà là không làm được, hoặc rất khó thuyết phục bản thân thực hiện đạo lý đó.
Thật ra trong cuộc sống, có rất nhiều đạo lý đơn giản có thể giải thích những băn khoăn lo lắng trong cuộc sống và giúp chúng ta thoát khỏi khó khăn hay lạc lối. Nếu bạn hiểu được những gì bạn cần hiểu, học hỏi từ những bài học hoặc kinh nghiệm sống, quan trọng là cần phải ra sức thực hiện, thì bạn mới có thể trở nên tốt hơn.
2. Hãy biến đạo lý trở thành thói quen của bạn
Bạn đã từng trải qua chuyện thế này chưa? Bạn thừa biết đọc sách là có ích, nên khi nào cảm thấy có hứng bạn sẽ kiếm đại một quyển sách nào đó thuộc tốp bán chạy để lật xem vài trang.
Bạn thừa biết tập luyện thể thao là có ích, nên bạn cũng từng rất hăng hái muốn tập luyện cho đến khi chạy được vài bước chân. Bạn cũng biết ngủ sớm tốt cho cơ thể, nên bạn cũng từng tâm huyết dâng trào tắt đèn đi ngủ sớm được vài lần.
Nhưng sau tất cả, bạn luôn cảm giác rất khó để kiên trì với những thói quen mới của mình. Giống như nhiều người khác, bạn có thể tự an ủi bản thân, sau đó dần dần từ bỏ những điều mà trước đây mình cho là nên làm.
Thật ra, sở dĩ chúng ta cảm thấy kiên trì rất khó, nguyên nhân lớn nhất chính là do chúng ta không quen với việc tạo mới và duy trì thói quen.
Có 1 câu nói thế này: "Lý khả đốn ngộ, sự tu tiệm tu." Đạo lý dễ dàng hiểu được, nhưng chỉ khi đem đạo lý từ từ biến thành thói quen của bản thân, chúng ta mới có thể thực sự hưởng lợi từ đó.
3. Không cần ép mọi chuyện đều phải hoàn mỹ
Muốn làm tốt 1 chuyện, nhưng bạn luôn luôn do dự và cảm thấy bản thân chưa chuẩn bị đủ tốt. Muốn bản thân không ngừng trưởng thành và phát triển, nhưng bạn lại cảm thấy cho dù thế nào cũng rất khó làm xuất sắc được.
Bạn dường như luôn mặc cảm cảm thấy mình không bằng được mọi người. Muốn cuộc đời có giá trị và ý nghĩa, nhưng bạn lại cảm thấy người xuất sắc ngoài kia quá nhiều, cho dù có cố gắng, cũng rất khó vượt qua được bọn họ...
Loại lo lắng và băn khoăn này hình thành do bạn đặt yêu cầu đối với bản thân quá cao, nhưng có lúc cũng chính là biểu hiện của lòng tham con người. Chúng ta luôn mong muốn kết quả hoàn mỹ với tất cả mọi việc.
Lúc chúng ta bắt đầu làm điều gì đó, không hẳn lúc nào cũng có thể làm tốt ngay lần đầu tiên. Nhưng đừng từ bỏ, bởi vì chỉ có kiên trì, thì mới có thu hoạch.
Ví như bạn biết rằng không ngừng học hỏi rất quan trọng, vì vậy cho dù bản thân bạn rất thích được nhàn rỗi, nhưng không bao giờ bạn cho phép mình được nghỉ ngơi một cách dễ dàng.
Bạn muốn kiểm soát cảm xúc của bản thân, có thể lần 1 làm không tốt, lần 2 cũng không nhịn được mà cao giọng lên, nhưng chỉ cần không ngừng uốn nắn, thì tính khí nóng nảy của bạn sẽ có thể dần dần điều chỉnh được.
Muốn thực hiện đạo lý, thật sự là cực kỳ khó khăn. Vì thế, không cần ép buộc bản thân 1 lần là có thể làm được xuất sắc. Hãy cho phép bản thân được làm nhiều lần, lần sau tốt hơn lần trước một chút. Chỉ khi ấy, bạn mới có thể từng bước từng bước trở thành người tốt hơn.