HỌC CÂU THẦN CHÚ NÀY ĐỂ CHỮA LÀNH TINH THẦN, TÂM HỒN BÌNH AN
Share
Chúng ta mất 3 năm đầu tiên cuộc đời để học nói nhưng phải giành cả phần đời còn lại để học giao tiếp. Của cải làm ra bao nhiêu cũng hết nhưng những lời đẹp đẽ sẽ trường tồn đời này qua đời khác, giá trị bạn trao đi cũng chính là những gì bạn nhận lại. Người biết nói lời yêu thương đích thực là câu thần chú hữu hiệu nhất để chữa lành tinh thần, trong tâm người ấy sẽ luôn cảm thấy thanh thản, bình an và ngược lại.
Câu chuyện thứ nhất
Vừa mới tới văn phòng nhưng nét mặt người đồng nghiệp bên cạnh cô đã tỏ ra vô cùng ủ rũ, buồn phiền. Sau một vài câu hỏi thăm, người đồng nghiệp chia sẻ câu chuyện nhỏ diễn ra với vợ vào tối ngày hôm qua, vì anh uống say, về muộn, lại nói những lời không hay khiến cho người vợ khá tức giận. Cô yên lặng lắng nghe, lấy tuýp kem đánh răng ở trước mặt mình và bóp kem ra đĩa, rồi quay sang nói với người đồng nghiệp: "Em đố anh cho hết chỗ kem này vào trong tuýp".
Người đồng nghiệp cảm thấy kì quặc, từ chối thực hiện: "Em đùa sao? Chẳng ai có thể nhét hết chỗ kem đánh răng vào tuýp như cũ được!".
Cô đáp: "Anh hãy coi đĩa kem đánh răng này là những lời nói trong cuộc đời mình. Một khi lời nói được thốt ra, chúng có thể làm đau, hạ nhục, nói xấu và làm tổn thương người khác nhưng chúng cũng có thể chữa lành, khích lệ, truyền cảm hứng và yêu thương người khác… Tất nhiên, chẳng ai hoàn hảo cả, có lúc chúng ta vẫn chọn sai, bất cẩn với lời nói của chính mình và làm đau người khác mà chẳng rút lại được. Lựa chọn sự tử tế, lời nói tốt đẹp ngay từ đầu chẳng bao giờ thiệt thòi cả".
Người đồng nghiệp nghe thấy vậy, liền xin phép ra ngoài văn phòng để gọi điện xin lỗi vợ vì sai lầm của mình ngày hôm qua...
Câu chuyện thứ hai
Một vị Tổng giám đốc của một công ty lớn đã quyết định đưa ra một hoạt động trưng cầu ý kiến và đóng góp xây dựng văn hóa công ty dành cho toàn bộ nhân viên. Sếp Tổng yêu cầu mỗi nhân viên của các phòng ban ngày nào cũng phải mang theo một túi đựng táo.
Mỗi quả táo trong túi chính là một cái tên của đồng nghiệp mà họ đang không thích, họ thấy rằng người này thiếu năng lực, không phù hợp với công ty, cần phải thay đổi cách làm việc hay thậm chí cần phải thuyên chuyển hoặc nghỉ việc, kể cả tên các trưởng phòng, phó phòng và giám đốc.
Số táo trong túi của mỗi người sẽ không bị giới hạn, vì nó phụ thuộc vào số lượng người mà nhân viên ấy không ưa và muốn họ thay đổi. Tất nhiên, mỗi người cần phải tuyệt đối bảo mật về những cái tên trong túi táo và những điều họ muốn gửi gắm và phải buộc nó thật chặt. Chỉ có Tổng giám đốc quyền lực nhất mới được biết nội dung trong các túi táo. Kết thúc 4 tuần trưng cầu ý kiến sẽ là một buổi thuyết trình của cá nhân về số táo ấy, ai có những đóng góp tích cực nhất sẽ được giám đốc trọng thưởng.
Khi cuộc vận động bắt đầu, ai ai cũng hồ hởi chuẩn bị táo và nghĩ xem mình cần chuẩn bị gì cho buổi thuyết trình cá nhân. Sếp Tổng đề nghị nhân viên nào cũng phải mang túi táo của mình bên cạnh ở bất cứ nơi đâu trong đúng một tháng, nhưng phải giữ nguyên số táo lúc đầu.
Tuần thứ nhất, nhiều người có túi táo rất nhẹ, dường như chỉ có vài quả. Nhưng cũng có nhiều người ngay từ những ngày đầu đã phải mang vác khệ nệ. Một tuần trôi qua, các nhân viên đều cố gắng suy nghĩ để tìm ra lỗi của các đồng nghiệp , nghĩ tới những người làm mình không hài lòng, với hi vọng sẽ làm thay đổi công ty, mang những điều tích cực nhất cho môi trường mình đang làm việc. Cứ thế, số táo tăng lên mỗi ngày.
Sang đến tuần thứ hai, nhiều người bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sức nặng của túi táo và mùi táo thối bắt đầu bay ra, ngay cả khi họ đã buộc túi táo rất chặt. Khổ nhất là những người vừa phải xách nặng, vừa phải ngửi mùi táo thối trong suốt một ngày dài làm việc. Tới tuần thứ ba, không ai thực sự muốn thêm một quả táo nào vào túi của mình, mà chỉ mong đến ngày hoạt động góp ý này kết thúc.
Tuần cuối cùng, mùi táo thối khiến cả công ty nặng nề và khổ sở. Không ai còn có thể nghĩ đến việc tìm lỗi, bắt lỗi của người khác nữa, đơn giản là bởi họ đã quá khổ sở trong việc giữ và vác túi táo thối nặng nề đi khắp mọi nơi, nhiều khi những người xung quanh cũng phải tránh xa và lắc đầu không hiểu.
Ai cũng ân hận là mình đã không có cái nhìn tích cực hơn với người khác. Họ tự nhiên cảm thấy những đồng nghiệp mà họ chê trách và coi thường vẫn còn có rất nhiều điểm tích cực.
Kết luận
Tục ngữ có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Học giao tiếp là học cả đời. Chúng ta sinh ra không phải ai cũng sở hữu sự khéo léo trong giao tiếp. Tất nhiên, nói là quyền của cá nhân mỗi người, ai mà chẳng có lí do cho rằng điều mình nói là đúng. Nhưng nói những lời đụng chạm tới lòng tự trọng của người khác, dù chẳng ai đưa ra pháp luật nhưng điều đó không đúng với đạo lí làm người.
Cứ "nói cho sướng miệng" mà chẳng hề quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của người khác cũng có thể được coi là một tội ác. Mỗi người đều có một cái miệng, "lời nói gió bay", một khi đã nói ra thì lời nói chẳng thu lại được. Vì thế, miệng của ai, người ấy nên giữ. Tha thứ, bao dung, lựa chọn sự tử tế để đối đãi với người khác chính là thái độ tốt nhất chúng ta nên làm, hơn thế đó chính là thái độ sống tốt nhất mà mỗi người chúng ta nên có.
---------------------------------
---------------------------------
Xem thêm những bài viết hấp dẫn khác tại đây: